Mùa bông gòn nở

Vào những ngày cuối xuân chuẩn bị sang hè, những trái bông gòn chín nứt bông trắng xóa rơi xuống đất, bà cháu tôi lại dắt tay nhau đi nhặt từng trái bông gòn khô.

 

Vào những ngày cuối xuân chuẩn bị sang hè, những trái bông gòn chín nứt bông trắng xóa rơi xuống đất, bà cháu tôi lại dắt tay nhau đi nhặt từng trái bông gòn khô.

Cũng ngộ ghê, thường người ta trồng cây đa, cây bồ đề tán rộng để che mát nhưng nhà ngoại lại trồng cây bông gòn, mà ở quê ngoại, tôi cũng ít thấy trồng loại cây này. Vậy là 2 cây gòn trước ngõ như biểu tượng của quê ngoại trong lòng tôi. Hồi bé, cứ hè là mẹ lại gửi tôi về ngoại. Cứ thế tôi lớn dần theo những câu chuyện của bà dưới tán cây gòn. Lúc đó, nhà ngoại vẫn chưa có điện, tối ngủ phải dùng quạt giấy, cứ đầu hôm là bà lại mắc võng nằm đung đưa dưới gốc gòn cho mát, rồi tới khi sương xuống lạnh mới vào đi ngủ. Thích nhất những đêm trăng sáng, nằm nghe bà kể chuyện, nghe lúa non rì rào trong gió, bao nhiêu câu chuyện của bà cũng không làm tôi buồn ngủ. Mỗi buổi chiều, bà cháu lại đi nhặt những trái bông gòn chín rơi xuống đem về phơi cho thật khô rồi tách lấy phần bông trắng mịn như tuyết cất vào bao để làm gối. Chẳng biết vì cây bông gòn rất cao hay vì chỉ có 2 cây thôi nên người ta không thu hoạch như những cây khác, mà cứ chờ cho trái chín đều, tách vỏ theo những cơn gió mạnh rơi xuống đất.

 

Có hôm gió lớn trái rụng nhiều, cũng có hôm chẳng có cái nào. Vậy mà những ngày hè ở nhà ngoại, chiều nào tôi cũng lăng xăng chạy ra gốc gòn để xem có quả nào rơi lại nhặt. Để làm được một cái gối bông gòn phải cần rất nhiều bông, nhưng nằm êm vô cùng. Những chiếc gối “nhân” bông gòn tự tay bà may cho cả nhà, lâu lâu nhiều bông bà lại làm lại nhân cái gối. Lớn hơn, phải học nhiều, thời gian về ngoại ít đi, nhưng mỗi dịp hè về tôi vẫn giữ thói quen nhặt trái bông gòn cùng bà. Năm tôi vào đại học, món quà bà tặng tôi là chiếc gối bông gòn bà tự làm thật êm, lúc đó tôi nhận ra, bà đã già, tóc bà cũng bạc trắng. Nay về quê ngoại, cây gòn vẫn còn đó nhưng bà không còn nữa. Không còn ai nhặt những quả gòn rơi, trông nó cũng “già nua” hơn. Mỗi khi cây gòn trổ bông, tôi lại nhớ về bà, bắt chước bà đoán quả, nhưng mùa bông gòn sau, đã không còn ai cùng tôi đi nhặt trái bông gòn khô.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *