Thúc đẩy giao thương dệt sợi giữa Việt Nam-Ấn Độ

Ngày 18/2 tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM phối hợp với Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm dệt Cotton Ấn Độ (TEXPROCIL) và Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu và Phát triển máy dệt Ấn Độ (PDEXCIL) tổ chức chương trình: “Giao lưu thương mại Việt Nam – Ấn Độ ngành Dệt -Sợi”

 

Ngành Dệt may là một trong những trụ cột của nền kinh tế Ấn Độ. Sản xuất của ngành công nghiệp này chiếm 4% GDP, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

det-soi

Ấn Độ là nhà sản xuất đứng thứ 2 trên thế giới về mặt hàng lụa và ở trong Top 5 nước sản xuất vải sợi hàng đầu. Do vậy, Ấn Độ vừa là thị trường tiềm năng vừa là nguồn cung cấp nguyên liệu – thành phẩm dồi dào cho ngành Dệt May Việt Nam.

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết, riêng về ngành dệt may, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng dệt may và xơ, sợi dệt đạt giá trị trên 77 triệu USD (tăng 38% so với cùng kỳ năm trước) và nhập khẩu về từ Ấn Độ nguyên phụ liệu dệt may – da giày, bông các loại, vải các loại, sợi dệt các loại với giá trị trên 419 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Manikam Ramaswami, Chủ tịch TEXPROCIL ở Việt Nam các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ vẫn chưa đạt được nhiều thành công. Thị phần mặt hàng dệt cotton chỉ tăng từ 1,34% năm 2012 lên gần 1,6% trong năm 2013. Mặt hàng sợi cotton cũng chỉ tăng từ 13% năm 2012 lên 16,5% năm 2013.

Theo kinh nghiệm thực tế, bà Ngô Thị Vân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vải sợi và Thời trang Kim Vũ cho biết, so với Trung Quốc, thời gian giao nhận hàng của Ấn Độ kéo dài. Nếu như mua hàng vải vóc của Trung Quốc chỉ trong tầm 45 ngày là nhận được, hoặc có khi chỉ trong 7 ngày phía người bán bên Trung Quốc đã giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì Trung Quốc có chính sách trữ hàng sẵn. Hầu hết những mẫu hàng mà nhà cung cấp Trung Quốc chào hàng đều có hàng sẵn, những mẫu không có thì thời gian giao hàng cũng nhanh vì máy móc Trung Quốc hiện đại hơn. Ngược lại doanh nghiệp Ấn Độ thường sản xuất theo đơn đặt hàng của người mua, thời gian thực hiện mỗi đơn hàng là 3 tháng rưỡi. Đồng thời nhiều nhà máy dệt của Ấn Độ quy mô nhỏ lẻ nên chất lượng nhiều sản phẩm không đồng nhất. Nếu như các doanh nghiệp Ấn Độ khắc phục được các hạn chế trên thì sẽ hỗ trợ rất nhiều đến tình hình giao thương với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Theo nhận xét của các doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm vải của Ấn Độ rất phong phú và có nhiều loại chất lượng cao. Giá cả lại cạnh tranh, một số mặt hàng vải như cotton có giá rẻ hơn các nguồn cung cấp khác.

Việt Nam đang cần các loại sợi và vải chất lượng với giá cả phù hợp, trong khi đó Ấn Độ là nhà sản xuất các mặt hàng sợi và vải cạnh tranh nhất thế giới. Vì vậy Ấn Độ có thể là một đối tác tốt cho ngành Dệt May Việt Nam nhằm giảm chi phí sản xuất.

Đánh giá về cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp dệt may hai nước, ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng Thư ký Hội Dệt May Thêu đan TP.HCM cho rằng, sự hợp tác giữa doanh nghiệp dệt may 2 nước Việt – Ấn sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chất lượng cao trên thị trường quốc tế
.

 

Tag: xơ sợi | bông tấm | polyester |xơ polyester 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *