Mặt hàng sơ, sợi “lên hương”

Ngành sản xuất và cung ứng xơ sợi đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, khi thực hiện được cả hai mục tiêu: chủ động cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp trong nước và tăng nhanh giá trị xuất khẩu.

 

Mặt hàng xơ sợi đang xuất siêu

Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xơ sợi ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu nước ngoài cho cả năm 2014 đã được các nhà cung cấp xơ sợi lớn, như Phong Phú, Trà Lý, Phú Bài, Hòa Thọ, Thiên Nam… ký kết xong.

Năng lực sản xuất sợi phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu tăng lên đáng kể
Năng lực sản xuất sợi phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu tăng lên đáng kể. Ảnh: Chí Cường

Kỳ vọng về việc cán đích 2,5-2,6 tỷ USD giá trị xuất khẩu đối với mặt hàng nguyên liệu này trong năm 2014 là hoàn toàn có cơ sở.

Đầu tư của các doanh nghiệp ngành sợi trong nước có tốc độ tăng mạnh nhất trong những năm gần đây, nhờ đó, năng lực sản xuất sợi phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu tăng lên đáng kể.

Theo thống kê của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), tính đến cuối năm 2013, ngành dệt may có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kéo sợi cho tổng sản lượng là 720.000 tấn, với 6,1 triệu cọc sợi, chiếm 2,1% năng lực sản xuất của thế giới (250 triệu cọc).

Trong đó, 250.000 tấn sợi được sử dụng cho thị trường nội địa, 470.000 tấn còn lại được xuất khẩu. Ngành sợi Việt Nam đã và đang khẳng định là một mắt xích  quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may trong nước cũng như thế giới.

Thị trường xuất khẩu xơ sợi lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm khoảng 44% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ.

Được biết, trong 8 tháng đầu năm, xơ sợi có giá trị nhập khẩu hơn 950 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu tính lượng xơ sợi mà Việt Nam xuất khẩu trong cùng thời điểm đạt gần 1,6 tỷ USD, thì ngành dệt may đang xuất siêu xơ sợi tới 600 triệu USD.

Các nhà cung cấp xơ sợi lớn

Sau nhiều năm phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu, ngành dệt may đang tháo bỏ dần sự bị động này và lĩnh vực sản xuất xơ sợi tại chỗ có tốc độ giảm phụ thuộc nhanh nhất.

Nguồn cung sợi tại chỗ được bổ sung nhanh, đã giúp giảm dần lượng nhập khẩu xơ sợi phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu .

Tổng công ty cổ phần Phong Phú đang sở hữu 3 công ty sản xuất – kinh doanh sợi, với 8 nhà máy cung cấp các dòng sản phẩm sợi đa dạng, bao gồm các loại sợi cotton chải thô Ne 7-40, sợi cotton chải kỹ, sợi chỉ may PE Ne 20-84, sợi PE dệt kim – dệt thoi Ne 20-40…

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Phong Phú cho biết, dòng sợi OE của Tổng công ty đang được cung cấp cho các nhà máy dệt vải jeans denim, khăn, dệt gia dụng, như găng tay sợi OE dệt kim, găng tay bảo hộ dệt kim… rất hiệu quả.

Tổng công ty đã kín đơn hàng, với các sản phẩm sợi và tự tin cạnh tranh, với các sản phẩm tương tự nhập khẩu cả về giá lẫn chất lượng.

“Sản phẩm sợi Phong Phú đã chiếm lĩnh thị trường trong nước, đặc biệt cho phân khúc sợi chỉ may cao cấp, sợi cotton ring, sợi cotton ring fancy và sợi cotton OE. Ngoài ra, Phong Phú còn là nhà cung cấp chính sản phẩm sợi chỉ may chất lượng cao cho Tập đoàn Coats (Anh)”, ông Trình cho biết thêm.

Công ty cổ phần Sợi Phú Nam, đóng tại Khu công nghiệp Phú Bài, Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) hiện có năng lực cung ứng sợi gần 30.000 cọc sợi. Đại diện Công ty cho hay, 50% sản lượng từ các nhà máy của Công ty được bán tại thị trường nội địa;  chất lượng sản phẩm và cơ cấu mặt hàng của Công ty đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong nước.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư để nâng sản lượng vượt ngưỡng 30.000 cọc sợi.

Với tổng doanh thu xấp xỉ 500 tỷ đồng năm 2013, trong đó, xuất khẩu khoảng 40% doanh thu, Công ty cổ phần Sợi Trà Lý đã có đóng góp không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất vải trong nước.

Quý II/2014, Công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy kéo sợi 15.000 cọc sợi, với tổng vốn đầu tư trên 160 tỷ đồng.

Năng lực sản xuất sợi được bổ sung nhanh, một mặt ngành sợi có thể đáp ứng tốt hơn các đơn hàng nhập khẩu lớn, gia tăng nhanh cả về lượng và giá trị xuất khẩu.

Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) là một trường hợp điển hình về đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất sợi, cung ứng cho sản xuất các sản phẩm dệt của chính Công ty và các doanh nghiệp trong ngành.

“Dự án Đầu tư nhà máy quy mô 36.000 cọc sợi, sản lượng 6.400 tấn sợi pha chải kỹ/năm. với tổng vốn đầu tư 410 tỷ đồng đã được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phê duyệt phương án đầu tư, dự kiến được khởi công vào đầu năm 2015”, ông Nguyễn Song Hải, Tổng giám đốc Hanosimex cho hay.

VCOSA dự báo, với lượng đơn hàng các doanh nghiệp đã ký và sản lượng được bổ sung từ các dây chuyền sản xuất mới đưa vào hoạt động, hết năm 2014, xuất siêu xơ sợi sẽ đạt 1 – 1,1 tỷ USD.

 

Tag: xơ sợi | bông tấm | polyester | xơ polyester

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *